Close
  • News

    29 January, 2024

    MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ XUẤT NHẬP KHẨU TẠI CHỖ

    QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH VỀ XUẤT NHẬP KHẨU TẠI CHỖ VÀ KIẾN NGHỊ CỦA BỘ TÀI CHÍNH VỀ BÃI BỎ QUY ĐỊNH VỀ XNK TẠI CHỖ

    1. Quy định của pháp luật hiện hành về xuất nhập khẩu tại chỗ

    Theo quy định tại Khoản 3 Điều 181 Luật Thương mại, bên đặt gia công được Bán, tiêu hủy, tặng biếu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo thoả thuận và phù hợp với quy định của pháp luật. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 182 Luật Thương mại “Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo ủy quyền của bên đặt gia công”

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương (“Nghị định 69/2018”), bên đặt gia công Được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các bên có liên quan, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; bên nhận gia công được Làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công”.

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (“Nghị định 08/2015”), hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ gồm:

    a) Hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam

    b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

    c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (“Thông tư 38/2015/TT-BTC”), hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ gồm:

    a) Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;

    b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

    c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

          2. Thế nào là thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam

    Theo Khoản 5, Điều 3, Luật quản lý ngoại thương Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam là thương nhân nước ngoài không có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo các hình thức được quy định trong pháp luật về đầu tư, thương mại, doanh nghiệp; không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thương mại”. Như vậy, trường hợp thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam như chi nhánh, văn phòng đại diện; hoặc có hoạt động đầu tư tại Việt Nam (đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BCC hoặc các hình thức thực hiện dự án đầu tư khác tại Việt Nam) thì không thuộc trường hợp được thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/2015. Trong thời gian vừa qua, không ít doanh nghiệp vướng mắc liên quan đến vấn đề này. Tổng cục Hải quan cũng đã có Công văn số 4146/TCHQ/GSQL ngày 08/08/2023, Công văn 3987/TCHQ-GSQL ngày 31/07/2023, Công văn 676/GSQL-GQ2 ngày 17/05/2023.

    1. Có sự mâu thuẫn, không đồng nhất giữa quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nói chung và xuất nhập khẩu tại chỗ

    Theo quy định tại Điều 28 Luật Thương mại “1. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật; 2. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”

    Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 thì: “Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. ”

    Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014 thì: “Hàng hóa bao gồm động sản có tên gọi và mã số theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan. Phạm vi địa bàn hoạt động hải quan được quy định cụ thể tại Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ.

    Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được đưa ra/ đưa vào lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa ra/ đưa vào khu vực hải quan riêng (khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, khu phi thuế quan, kho ngoại quan) hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan (theo quy định tại Nghị định số 01/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2018/NĐ-CP trong đó gồm khu kinh tế cửa khẩu có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa chịu sự giám sát, kiểm soát hải quan, hoạt động XNK tại chỗ, nếu thực hiện giữa các doanh nghiệp nội địa (không có sự đưa ra/đưa vào lãnh thổ Việt Nam; hoặc đưa ra/ đưa vào khu vực hải quan riêng), có sự mâu thuẫn với các quy định của pháp luật trích dẫn trên về hoạt động xuất nhập khẩu nói chung (chưa phản ánh đúng bản chất của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu).

    1. Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ tại Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP

    Theo nội dung Công văn số 9133/BTC-TCHQ ngày 25/08/2023 của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP theo hướng:

    • Bãi bỏ toàn bộ Điều 35 tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (thực tế chỉ bãi bỏ điểm c, khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP). Cơ quan hải quan không làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ quy định điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
    • Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã được quy định tại Điều 181, Điều 182 Luật Thương mại và Điều 42 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP; quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được quy định tại Điều 28 Luật Thương mại, khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương, khoản 6 Điều 4 Luật Hải quan, khoản 4 Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Thủ tục hải quan đang được quy định tại Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Trường hợp bãi bỏ toàn bộ quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP thì thủ tục hải quan đối với hoạt động quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 35 NĐ 08/2015/NĐ-CP đã có hướng dẫn cụ thể tại các điều tương ứng tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC và sẽ được hướng dẫn rõ hơn khi xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC, đảm bảo đầy đủ thủ tục để doanh nghiệp có cơ sở thực hiện; việc quy định tại Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành không trái với quy định hiện hành, đủ cơ sở pháp lý để Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện.

     (Toàn văn nội dung đề xuất của Bộ Tài chính lòng tham khảo chi tiết tại Công văn 9133/BTC-TCHQ ngày 25/08/2023)

    Bài viết thể hiện quan điểm của VN CONSULT đối với vấn đề pháp lý được đề cập, không phải là ý kiến tư vấn pháp lý cho một trường hợp, tình huống cụ thể

    Chi tiết vui lòng liên hệ

    CÔNG TY LUẬT HỢP DANH VN CONSULT

    Phòng 703 Tầng 7 Tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

    Tel: 0903 236 646 (Ms. Thu Hằng)